107
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 18/09/2023 17:41
Giá trị di sản văn hóa Champa trên đất Huế
Phần lớn di sản văn hóa vật thể Champa còn lại ở xứ Huế không tồn tại độc lập như những công trình riêng của người Chăm. Nhiều di tích, dị vật Champa đã được người Huế tiếp nhận, dung hợp với các hình thái tín ngưỡng truyền thống của người Việt để tạo nên một sắc thái tín ngưỡng đa dạng của Huế.

Phản ảnh một giai đoạn lịch sử

Từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, khu vực miền Trung hiện nay xuất hiện nhiều tiểu vương quốc, trong đó có Lâm Ấp - Champa (vùng Bắc Trung Bộ ngày nay). Sự ra đời này được xem như là quá trình hội tụ và phát triển của văn hóa tiền - sơ sử Việt Nam mà trực tiếp là văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung. Thừa Thiên Huế là không gian một phần lãnh thổ vương quốc Champa trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ XIV (gần 12 thế kỷ), ở đây đã hình thành nên một di sản văn hóa đồ sộ.

Từ năm 1306, vùng đất châu Ô, châu Lý được nhập vào lãnh thổ Đại Việt, sự có mặt của người Việt ở vùng đất này đã tạo tiền đề cho văn hóa Đại Việt ảnh hưởng mạnh hơn về phương Nam. Người Việt khi đến sinh sống, định cư ở vùng đất mới đã có lối sống ứng xử khôn khéo tôn trọng, kế thừa và phát huy các thành tựu văn hóa mà cư dân Champa để lại.

Theo thống kê mới nhất trên địa bàn Thừa Thiên Huế còn hiện diện 17 di tích đền – tháp, 3 thành lũy 2 giếng cổ, 1 mộ cổ của văn hóa Champa. Ngoài ra, còn có hàng trăm hiện vật điêu khắc, bia kí Champa được lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật cung định Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng Dân tộc – Khảo cổ học (Trường Đại học khoa học, Đại học Huế) và trong các làng xã.

“Tất cả đã phản ánh rõ nét về một giai đoạn lịch sử phát triển lâu đời, những giá trị đó là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên một diện mạo vùng văn hóa đa dạng, đặc sắc”, TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế đã nhận định như thế.

Theo ông Dũng, trong số các di tích được phát hiện ở Huế, có 3 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia gồm Tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà), Tháp Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) và Thành Lồi (nằm trên địa bàn hai phường Thủy Biều và Thủy Xuân, TP. Huế). Ngoài ra, còn có một hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia đó là Bệ thờ Vân Trạch Hòa.

Cần thống nhất hiện vật để phát huy giá trị

Ở khía cạnh nghiên cứu khảo cổ, TS. Nguyễn Văn Quảng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) cho rằng, so với khu vực phía nam Hải Vân, các di tích đền - tháp, thành - lũy Champa ở khu vực Thừa Thiên Huế vừa mang những đặc điểm tương đồng, vừa có những yếu tố khác biệt. “Trong đó, các đặc điểm tương đồng là cơ bản, chủ yếu, cho thấy văn hóa Champa ở khu vực này là một bộ phận trong tổng thể văn hóa Champa. Mức độ tương đồng hay khác biệt có liên quan đến yếu tố địa lý, lịch sử cũng như tùy thuộc vào từng thời kỳ, sự mạnh yếu của các vị vua trung tâm”, TS. Quảng nói.

Ở góc nhìn của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thừa Thiên Huế cho rằng văn hóa Champa được người Huế dung hợp, tiếp nhận để tạo nên một sắc thái tín ngưỡng đa dạng. Ngoài tín ngưỡng còn có sinh hoạt, canh tác ruộng đất, ẩm thực, trang phục, thậm chí ảnh hưởng đến kiến trúc cung đình Huế. Vì thế đã đến lúc nhìn nhận giá trị đích thực của di sản này để quảng bá, bảo tồn, phát huy và phát triển.

Đồng quan điểm TS. Lưu Anh Rô, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng đã nhận định rằng hiện vật Chămpa tại Thừa Thiên Huế cho thấy sự hiện diện và công tác bảo tồn các di tích Chămpa tại đây có một vị trí vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu một cách bài bản, toàn diện về giao thoa văn hoá Việt - Chăm qua lối sống, ngôn ngữ, âm nhạc, phương thức canh tác nông nghiệp… đồng thời cho thấy các giá trị của chúng luôn là yếu tố “đồng hiện” trong phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Ông Phan Tiến Dũng cho biết thêm, hầu hết các di tích về Champa ở Thừa Thiên Huế đã trải qua thời gian tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt, nên đã trở thành phế tích. Chính vì thế, vấn đề cần thiết là phải ưu tiên tập trung các nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại đến hôm nay....

Về phần các hiện vật, đang do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, việc bảo quản có nhiều khó khăn tùy thuộc theo khả năng từng nơi đưa ra trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan. Do vậy, để bảo vệ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Champa trên địa bàn, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần thống nhất việc quản lý hiện vật hiện nay do các tổ chức quản lý về một đầu mối.

Phan Thành