Giới thiệu  » Chức năng, nhiệm vụ

Cập nhật lúc : 08:51 15/10/2014

Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


QUY ĐỊNH

Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(Ban hành theo Quy định 2062-QĐ/TU, ngày 03/7/2019

 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)

 

 

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Điều 1. Chức năng

1. Là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.

2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Tỉnh ủy. 

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện  

1.1. Nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị tư tưởng trên địa bàn tỉnh. Dự báo những diễn biến, xu hướng chính trị tư tưởng có thể xảy ra, kịp thời báo cáo, kiến nghị với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, biện pháp giải quyết.

1.2. Đánh giá hoạt động, nghiên cứu, đề xuất các đề án, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực tuyên giáo trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và tổ chức thực hiện; sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh.

1.3. Chỉ đạo nội dung giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước. Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng.

1.4. Nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, cơ quan thông tin, tuyên truyền, các hội văn học - nghệ thuật, hội nhà báo ở địa phương đảm bảo hoạt động đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi cần thiết, chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra về mặt quan điểm chính trị, tư tưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản... thuộc phạm vi phụ trách.

1.5. Giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng trong đội ngũ trí thức, nhà khoa học và trong sinh viên, học sinh ở địa phương. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên theo phân cấp.

1.6. Tham gia với chính quyền địa phương trong việc vận dụng, thể chế các quy định của cấp trên về các lĩnh vực có liên quan đến công tác tuyên giáo.

1.7. Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Trung ương theo quy định.

1.8. Sơ kết, tổng kết về công tác tuyên giáo.

1.9. Là cơ quan thường trực một số ban chỉ đạo của Tỉnh ủy thuộc lĩnh vực tuyên giáo. Thực hiện các công việc khác do Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát  

2.1. Hướng dẫn tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt và kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng. Kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh về thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy trong lĩnh vực tuyên giáo.

2.2. Hướng dẫn tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị, thông tin thời sự, tuyên truyền chính sách theo các chương trình, kế hoạch triển khai của Trung ương và Tỉnh ủy; bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho ban tuyên giáo cấp ủy cấp dưới, các đảng bộ cơ sở, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

2.3. Hướng dẫn sưu tầm biên soạn lịch sử đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố Huế và đảng bộ xã, phường, thị trấn.

3. Thẩm định, thẩm tra  

Đề án, văn bản của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan đến lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, khoa giáo, lịch sử đảng bộ địa phương trước khi trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy.

4. Phối hợp  

4.1. Với các cơ quan liên quan đề xuất về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ ở địa phương; quản lý báo chí, xuất bản và xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản.

4.2. Với các cơ quan chức năng tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan trong khối tuyên giáo trực thuộc Tỉnh ủy.

4.3. Với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong công tác cán bộ theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đề xuất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ nhân tài.

4.4. Với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu, giúp Tỉnh ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm thuộc lĩnh vực tuyên giáo.

4.5. Với Văn phòng Tỉnh ủy giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

4.6. Với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy trong việc hướng dẫn thực hiện về công tác chuyên môn và góp ý trong công tác tổ chức, cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ.

5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy giao.

II. TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ 

Điều 3. Tổ chức bộ máy, biên chế

1. Lãnh đạo Ban: Gồm Trưởng Ban và không quá 3 Phó Trưởng Ban (không bao gồm Phó Trưởng Ban kiêm nhiệm).

2. Các đơn vị trực thuộc

- Phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản.

- Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng.

- Phòng Khoa giáo - Văn hóa, văn nghệ.

- Phòng Tổng hợp và Thông tin công tác Tuyên giáo.

3. Biên chế: Biên chế của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp với tổng số biên chế được giao và cân đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của Tỉnh ủy. Đồng thời, thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

III. TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 4. Trách nhiệm, quyền hạn

1. Chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy trong tham mưu, đề xuất cho cấp ủy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

2. Được yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình.

3. Được cử cán bộ dự các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan liên quan bàn về nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn do cơ quan mình phụ trách.

4. Thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát theo Quy định 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Điều 5. Mối quan hệ công tác

1. Đối với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương 

1.1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo về mọi mặt của Tỉnh ủy, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy; thực hiện chế độ báo cáo, tham mưu đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy các vấn đề thuộc trách nhiệm, lĩnh vực được phân công.

1.2. Chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo đối với Ban Tuyên giáo Trung ương theo quy định.

2. Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh 

Quan hệ giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh là quan hệ phối hợp.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nghiên cứu, triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy; hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Đối với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh 

Quan hệ giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh là quan hệ phối hợp.

3.1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu thuộc lĩnh vực của mình có liên quan đến công tác quản lý nhà nước; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3.2. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh bàn về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thì đại diện lãnh đạo Ban được mời dự, tham gia ý kiến. Những nội dung cần thiết, lãnh đạo Ban làm việc trực tiếp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh để phối hợp thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên.

4. Đối với cấp ủy và các ban tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp dưới 

4.1. Quan hệ giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn trong việc thực hiện công tác chuyên môn, tổ chức và cán bộ theo phân cấp.

4.2. Quan hệ giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy là quan hệ hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6. Điều khoản thi hành 

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có tư cách pháp nhân, có con dấu để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; thực hiện thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Các công việc về hành chính nội bộ (nếu cần) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do lãnh đạo Ban phân công kiêm nhiệm phù hợp với tình hình cụ thể.

2. Căn cứ Quy định 04-QĐi/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư và Quy định này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành quy chế làm việc, mối quan hệ phối hợp công tác giữa các phòng thuộc Ban; đồng thời, phối hợp với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng và ban hành quy chế phối hợp để thực hiện.

3. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 1694-QĐ/TU, ngày 29/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các ban, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy; các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế, các đảng ủy trực thuộc; các đảng đoàn, ban cán sự đảng và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.

 

 

Tin bài liên quan